logo

Thiền - Khí Công Chữa Lành Bệnh Tật

Năng suất - Chất lượng - Giao thương

Nương theo hạnh nguyện Quán Âm

18/03/2024
Bồ-tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara) là vị Bồ-tát quen thuộc, gần gũi với mọi tầng lớp tín đồ Phật giáo. Với hạnh nguyện cứu khổ ban vui, lòng từ bi rộng lớn đem lại lợi lạc cho khắp chúng sinh, hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm đã đi vào lòng người, làm chỗ nương tựa cho chúng sinh giữa biển đời đầy phong ba bão táp.

    Nhu cầu thoát khỏi hoạn nạn, khổ đau và có được niềm an vui, hạnh phúc là một nhu cầu tất yếu của con người. Vì thế hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm rất cần cho nhu cầu đó. Bản nguyện của Bồ-tát đã đáp ứng được nhu cầu cần nơi nương tựa tinh thần, nương tựa tâm linh, cần sự chở che, tiếp sức khi cuộc đời có quá nhiều nỗi khổ niềm đau mà con người vốn yếu đuối, không đủ trí tuệ, nghị lực và niềm tin để vượt qua. Đã có rất nhiều trường hợp hy hữu xảy ra với người có niềm tin thanh tịnh nơi Bồ-tát mà người ta cho đó là sự cảm ứng của Bồ-tát Quán Thế Âm, bởi nó quá lạ thường, vượt xa khả năng, hiểu biết của con người. Những trường hợp đó đã trở thành giai thoại truyền kỳ trong dân gian và trong giới học Phật. Chính vì vậy mà niềm tin đối với Bồ-tát Quán Thế Âm ngày càng tăng thêm chứ không hề suy giảm.

    Có nhiều sự tích về Bồ-tát Quán Thế Âm. Do Bồ-tát thường hóa thân ứng hiện khắp mọi nơi mà trong nhân gian xuất hiện nhiều truyền thuyết về Ngài. Trong đó nổi tiếng nhất là truyền thuyết Quan Âm Diệu Thiện ở nước Hưng Lâm (một quốc gia cổ đại của Ấn Độ xưa), Bà Chúa Ba ở chùa Hương Tích (Việt Nam), Quan Âm Thị Kính ở nước Cao Ly (Triều Tiên xưa), Quan Âm Nam Hải hay Quan Âm Phổ Đà sơn ở núi Phổ Đà (Trung Quốc) v.v…

    Kinh Bi hoa quyển ba, phẩm Chư Bồ-tát bổn thọ ký cho biết, tiền thân Bồ-tát Quán Thế Âm là thái tử con vua Vô Tránh Niệm. Bấy giờ là thời Đức Phật Bảo Tạng trụ thế, thái tử đã cùng vua cha phát tâm cúng dường, đồng thời phát đại nguyện rộng lớn trước Đức Phật và được thọ ký, ban danh hiệu là Quán Thế Âm.

    Theo kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni thì Bồ-tát Quán Thế Âm là một vị Phật trong quá khứ hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, vì tâm đại bi và hạnh nguyện độ sinh rộng lớn mà Ngài thị hiện làm Bồ-tát trải qua vô lượng kiếp hóa độ chúng sinh. Ngài vừa hiện thân ở cõi Ta-bà với nhiều hình tướng để tùy duyên hóa độ chúng sinh đồng thời lại hiện thân ở cõi Tây phương Cực lạc cùng với Bồ-tát Đại Thế Chí làm phụ tá cho Đức Phật A Di Đà tiếp độ hành giả tu Tịnh độ vãng sinh Cực lạc (theo kinh Quán vô lượng thọ). Thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, Bồ-tát Quán Thế Âm cũng có mặt trong hội chúng của Đức Phật Thích Ca (theo kinh Diệu pháp liên hoa, phẩm Phổ môn). Và có lần trong hội chúng của Đức Phật Thích Ca, Ngài đã chỉ ra pháp tu Nhĩ căn viên thông, cũng gọi là pháp tu Quán Âm, Đức Phật Thích Ca đã hết sức khen ngợi pháp tu này và dạy đại chúng nên tu theo (theo kinh Thủ lăng nghiêm).

    Người tu pháp môn Tịnh độ cầu vãng sinh về cõi Tây phương Cực lạc, ngoài việc niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà còn có thể niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm. Niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm hoặc kết hợp trì niệm danh hiệu với các thần chú (đà-la-ni) của Ngài, đồng thời phát nguyện vãng sinh sẽ được Ngài tiếp dẫn.

    Thần thông, trí tuệ, biện tài và bi nguyện độ sinh rộng lớn của Bồ-tát Quán Thế Âm được nói đến nhiều trong các kinh. Kinh Diệu pháp liên hoa, phẩm Phổ môn, Đức Phật Thích Ca cho biết vì sao Bồ-tát có tên là Quán Thế Âm, và Ngài hết sức tán dương công đức, thần thông oai lực của Bồ-tát, dạy chúng sinh nên thường xưng niệm danh hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm để được gia hộ, giúp thoát khỏi tai ương hoạn họa và những phiền não khổ đau trong cuộc đời ngũ trược ác thế. Kinh Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni, Bồ-tát Quán Thế Âm dạy thần chú Đại bi, cho biết nguồn gốc và uy lực kỳ diệu của thần chú này và khuyên chúng sinh nên thường trì niệm. Kinh Thủ lăng nghiêm, Bồ-tát Quán Thế Âm dạy pháp tu “Phản văn văn tự tánh” để thành tựu Nhĩ căn viên thông. Còn kinh Quán vô lượng thọ diễn tả cho chúng sinh biết thân tướng của Bồ-tát Quán Thế Âm v.v…

    Qua hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, con người học được tinh thần từ bi rộng lớn, đó là tình yêu, tình thương vô điều kiện, không có bến bờ, tình yêu thương đó không bị chia cắt bởi ranh giới hận thù, không phân biệt giới tuyến (giai cấp, chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, đảng phái, sắc áo màu cờ…). Đó là lòng từ bi và tinh thần vô ngã.

    Lòng từ bi, tinh thần vô ngã, vị tha đó thể hiện qua việc quan tâm, lắng nghe (tầm thinh, quán âm), chia sẻ (cứu khổ, ban vui, thí vô úy). Hình ảnh ba mươi hai ứng hóa thân của Bồ-tát hay hiện tướng nghìn tay, nghìn mắt (thiên thủ, thiên nhãn) là ứng dụng của lòng từ bi, vô ngã, vị tha. Hành động, việc làm thiết thực cụ thể hóa lý tưởng. Bồ-tát Quán Thế Âm tùy theo nhu cầu, ước muốn, tùy theo tâm nguyện của chúng sinh có niềm tin nơi Ngài mà hóa hiện ra (hữu cầu tất ứng). Bồ-tát có thể hóa thân thành mọi thành phần, mọi tầng lớp trong xã hội để thực hiện hạnh nguyện lợi tha. Với biện tài vô ngại, Ngài dùng vô số phương tiện thiện xảo (biểu tượng nghìn mắt, nghìn tay) để tùy duyên cứu khổ và hóa độ chúng sinh.


Tinh thần vô ngã trong đạo Phật

    Khi chiêm ngưỡng và lễ bái, khi quán niệm danh hiệu và công hạnh của Bồ-tát Quán Thế Âm, con người phàm phu chúng ta có thể học được rất nhiều điều từ hình tượng ba mươi hai ứng hóa thân hay hình tượng nghìn tay nghìn mắt của Ngài. Đó là xả thân vì đạo, xả thân vì cuộc đời, tùy duyên mà làm các việc lợi ích cho chúng sinh (lợi hành), cùng chúng sinh gánh vác những trách nhiệm xã hội (đồng sự), đem lại sự an vui, hạnh phúc cho chúng sinh bằng tài thí (chia sẻ, ban tặng phương tiện vật chất, nhu cầu sự sống), pháp thí (chia sẻ, ban tặng những giá trị tinh thần, những giá trị tâm linh: kinh nghiệm, kiến thức, giáo pháp giải khổ…) và vô úy thí (chia sẻ, an ủi, bảo vệ, mang lại sự bình an, không lo lắng, sợ hãi cho người khác). Giúp mọi người làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, dấn thân phục vụ cho xã hội, cống hiến cho cuộc đời.

    Trong đời sống, có những lúc con người không thể nương tựa vào những giá trị thông thường như tiền bạc, sự nghiệp, danh tiếng, tình yêu, người thân, bè bạn… Đó là những khi lâm nạn phủ đầu, khi rơi vào tuyệt vọng vì tai nạn, bệnh tật, khi cận kề với cái chết, khi gặp cảnh khổ triền miên, những lúc đó con người rất cần có nơi nương tựa tinh thần, rất cần có một đấng đạo sư dẫn đường, cần một giáo lý giúp làm vơi những niềm đau nỗi khổ; rất cần một nẻo sáng tâm linh giúp họ tìm thấy sự bình an, tìm thấy lối thoát để ra khỏi những phiền não, khổ đau nơi cõi đời bụi bặm. Vì thế Bồ-tát Quán Thế Âm với tâm từ bi và hạnh nguyện lợi tha đã trở thành nơi nương tựa tâm linh của nhiều người.

    Niềm tin phổ biến đối với Bồ-tát Quán Thế Âm là có được sự bình an, vượt qua khỏi mọi tai chướng, không còn lo lắng, sợ hãi (tinh thần vô úy), không còn sân hận, si mê, điên đảo vọng tưởng khi trì niệm danh hiệu của Ngài. Khi có niềm tin tuyệt đối nơi Ngài cộng với căn lành, nhiều thiện duyên đã tạo, tâm hạnh tương ưng với tâm đại bi và hạnh nguyện của Ngài, người thường trì niệm, nhớ tưởng đến Ngài sẽ được Ngài gia hộ, giúp vượt qua tai ương, hoạn họa, phiền não khổ đau, dễ dàng thành tựu các pháp lành, thậm chí vãng sinh Cực lạc (nếu người đó có chí nguyện vãng sinh).

Minh Hạnh Đức

Nguồn bài viết: https://giacngo.vn/nuong-theo-hanh-nguyen-quan-am-post48061.html