logo

Thiền - Khí Công Chữa Lành Bệnh Tật

Năng suất - Chất lượng - Giao thương

Thiền-jhāna có đưa đến giác ngộ giải thoát?

18/03/2024
Có người chỉ trích Thiền-Jhāna không đưa đến giác ngộ, giải thoát, phải là Samatha-Bhāvanā và Vipassanā-Bhāvanā mới đưa đến giác ngộ, giải thoát. Có thật sự đúng như vậy không?

    Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) xác quyết rằng chỉ trong Pháp và Luật của Đức Phật Gotama mới có Bát Thánh đạo, con đường duy nhất dẫn đến giác ngộ, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết-bàn. Ngoại đạo không có Bát Thánh đạo (1).

    Bát Thánh đạo đó chính là Giới, Định, Tuệ. Mà Định-Samādhi ở đây chính là Thiền-Jhāna như đã được Đức Phật chỉ rõ trong rất nhiều bài kinh về Chánh định-Sammāsamādhi (2).

    Không có chi phần Chánh định-Sammāsamādhi, tức không có các Thiền-Jhāna (Các Thiền thẩm định tướng-Lakkhaṇūpanijjhāna, tức Thiền Minh sát-Vipassanā Jhāna) thì chắc chắn không thể viên mãn đầy đủ Bát Thánh đạo, chắc chắn không thành tựu Đạo Tuệ dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn, giác ngộ giải thoát.

    Như vậy, tu tập Thiền-Jhāna cùng 7 chi phần còn lại của Bát Thánh đạo là tu tập đúng đắn theo Chánh pháp của Đức Thế Tôn, dẫn đến giác ngộ giải thoát, chấm dứt sinh tử luân hồi.

    Chúng ta cần thống nhất với nhau các khái niệm cơ bản về Chỉ-Samatha, Quán-Vipassanā, Thiền-Jhāna, Định-Samadhi,… dựa theo kinh điển lời Phật dạy, chứ không thể tự tiện suy diễn. Nếu không có hiểu biết đúng đắn mà suy diễn lẫn lộn khái niệm thì sẽ dẫn đến giải thích lộn xộn, thực hành sai trái.

    Jhāna dịch là Thiền hay Thiền định là một cách phân loại của Định-Samādhi (3), là tập hợp con thuộc tập hợp Định-Samādhi.

    Mà Định-Samādhi là mức độ tập trung, có thể đạt được hoặc do phương pháp tu tập Chỉ-Samatha Bhāvanā, hoặc do phương pháp tu tập Quán-Vipassanā Bhāvanā:

      🌀 Định-Samādhi đạt được do phương pháp tu tập Chỉ (Samatha Bhāvanā): Khi đó Định-Samādhi trong phương pháp này được gọi là Thiền Vắng lặng-Samatha Jhāna hay Thiền tịnh Chỉ hay một số loại Định- Samādhi có tên gọi khác. Đây là phương pháp tu tập, vun bồi đạt tới Định-Samādhi và Tuệ-Paññā với đề mục là các Khái niệm (Tục đế) như các kasina (biến xứ), các chúng sinh, các phẩm tính của Phật, Pháp, Tăng, Giới, chư Thiên… Theo phương pháp này, Định-Samādhi và Tuệ-Paññā (5 Thắng trí thần thông) đạt được là thuộc hiệp thế, không dẫn trực tiếp đến giác ngộ giải thoát nếu chỉ dừng lại tại đây mà không tiếp tục thực hành tu tập Quán-Vipassanā (Vipassanā Bhāvanā).

      🌀 Định-Samādhi đạt được do phương pháp tu tập Quán (Vipassanā Bhāvanā): Khi đó Định-Samādhi trong phương pháp này được gọi là Thiền Minh sát-Vipassanā Jhāna hay một số loại Định-Samādhi có tên gọi khác. Đây là phương pháp tu tập, vun bồi đạt tới Định-Samādhi và Tuệ-Paññā với đề mục là các Thực tại tối hậu (Chân đế: Danh, Sắc, Niết-bàn) như sự sinh diệt của tứ đại, của tâm vương, tâm sở… Theo phương pháp này, Định-Samādhi và Tuệ-Paññā (Tuệ Minh sát) đạt được là thuộc hiệp thế ở giai đoạn đầu, và là thuộc siêu thế (Đạo, Quả Tuệ) ở giai đoạn sau, khi đã viên mãn Thiền Minh sát-Vipassanā Jhāna, trực tiếp dẫn đến giác ngộ giải thoát.

    Như vậy nói Thiền-Jhāna không đưa đến giác ngộ giải thoát là sai vì:

      🌀 Samatha-Jhāna (Thiền Vắng lặng hoặc Tịnh chỉ) thì không trực tiếp dẫn đến Tuệ Minh sát và Đạo Quả để có thể giác ngộ giải thoát nếu chỉ dừng lại ở đó (hai vị thầy đầu tiên dạy loại Thiền này cho Bồ-tát trước khi thành Phật), nhưng Thiền Vắng lặng-Samatha-Jhāna này lại là điều kiện rất thuận lợi để tu tập Quán-Vipassanā dẫn đến giác ngộ giải thoát. Đây là đạo lộ đầu tiên trong 4 đạo lộ tu tập giác ngộ giải thoát là “Chỉ-Samatha trước, Quán-Vipassanā sau”(4) – tức lấy Tịnh chỉ-Samatha làm cỗ xe “Samatha-yānika” – Đạo lộ này đang được thực hành rất có hiệu quả bởi trường phái nổi tiếng có uy tín cao của ngài Pa-auk Sayadaw (Myanmar).

      🌀 Vipassanā-Jhāna (Thiền Minh sát) thì dẫn trực tiếp tới Tuệ Minh sát vì đối tượng của nó là sự sinh diệt của Danh hoặc Sắc. Khi có Định-Samādhi thì cũng là lúc hành giả có Tuệ Minh sát, thấy rõ như thật bản chất sinh diệt tức Vô thường, Khổ, Vô ngã của ngũ uẩn. Đây là đạo lộ “Thuần Quán Suddha-Vipassanā-yānika”, đạo lộ thứ tư trong 4 đạo lộ tu tập giác ngộ giải thoát (hai đạo lộ còn lại là “Quán-Vipassanā trước, Chỉ-Samatha sau”, và “Chỉ-Samatha+Quán-Vipassanā song tu”). Đạo lộ này được nhiều trường phái tại Myanmar tu tập, nổi bật nhất là trường phái có uy tín cao của ngài Mahasi Sayadaw.

    Trong Bát Thánh đạo, chi phần Chánh định-Sammāsamādhi được Đức Phật định nghĩa rõ ràng đó là Tứ thiền (4 Jhāna). Tứ thiền-Jhāna này chắc chắn không phải là Thiền Tịnh chỉ/Vắng lặng (Samatha-Jhāna), mà đây chính là Thiền Minh sát (Vipassanā-Jhāna) do tu tập viên mãn Không định (Suññata Samādhi), Vô tướng định (Animitta Samādhi), Vô nguyện định (Appaṇihita Samādhi)(5). Thiền-Jhāna này là Chánh định-Sammāsamādhi vì nó được hỗ trợ bởi 7 chi phần còn lại của Bát Thánh đạo(6).

    Chắc chắn những lời Phật dạy về Giới, Định, Tuệ phải là những lời chỉ dẫn cốt tủy cần khắc cốt ghi tâm của mọi hành giả để có thể tiến bước không lầm đường:

      - “Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ. Tu tập  Giới đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn cho Định. Tu tập Ðịnh đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn cho Tuệ. Tu tập Tuệ sẽ đưa đến tâm giải thoát hoàn toàn khỏi các lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu”(7).

      - “Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập Định (Samādhi). Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có Định, như thật rõ biết (pajànati). Và như thật rõ biết gì?

        + Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”.

        + Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ tập”.

        + Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ diệt”.

        + Như thật rõ biết: “Ðây là con đường đưa đến Khổ diệt”.

    Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập Định.

    Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có Định, như thật rõ biết.

    Do vậy, này các Tỷ-kheo:

      + Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”.

      + Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ tập”.

      + Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ diệt”.

      + Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là con đường đưa đến Khổ diệt”(8).

    - “Này Cunda, đây là những gốc cây, đây là những ngôi nhà trống. Này Cunda, hãy Thiền định (jhāyatha), chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc về sau. Ðó là lời giáo huấn của Ta cho các người”(9).

    Trên đây là những phân tích thuần túy lý thuyết. Trong thực hành để đạt được Định-Samādhi, tức thể nhập các tầng Thiền-Jhāna, nhờ tu tập Chỉ-Samatha hay Quán-Vipassana, thì trước tiên hành giả phải có được giới thanh tịnh, phải thiểu dục tri túc, phải chánh niệm tỉnh giác liên tục, mọi lúc mọi nơi, phải diệt trừ 5 triền cái, chướng ngại tâm là Tham dục, Sân hận, Hôn trầm-Thụy miên, Trạo cử-Hối tiếc, Nghi ngờ.

    “Vị ấy thành tựu Thánh giới uẩn này, thành tựu Thánh hộ trì các căn này, và thành tựu Thánh chánh niệm tỉnh giác này, lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch như rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết-già, lưng thẳng tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái, từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận, từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên, từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối quá, từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.

    Vị ấy từ bỏ 5 triền cái làm cho tâm ô uế, làm cho trí tuệ muội lược, ly dục, ly pháp ác bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc, do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh”(10).

    Nếu chưa có được giới thanh tịnh, chưa thật sự sống thiểu dục tri túc, và chưa chánh niệm tỉnh giác liên tục, chưa đoạn trừ 5 chướng ngại tâm, thì không thể đạt được bất cứ loại Định-Samādhi nào, cho dù là đã tu Chỉ-Samatha hay tu Quán-Vipassanā lâu năm. Cũng như chưa có kiến thức đầy đủ, chưa tốt nghiệp Phổ thông cơ sở, Phổ thông trung học thì không thể vào và tốt nghiệp đại học.

    Và khi không thành tựu về Giới-Sīla thì chắc chắn không thể thành tựu về Định-Samādhi, và không có Định-Samādhi thì không thể có Tuệ-Paññā “thấy rõ như thật, như nó đang là” thực tính của các pháp là Vô thường, Khổ, Vô ngã, và do vậy không thể nhàm chán các pháp hữu vi trong tam giới, không thể ly dục, đoạn tận mọi Tham Sân Si không còn dư sót, đạt tới giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau phiền não, chấm dứt sinh tử luân hồi, đạt được hạnh phúc thật sự, tự do thật sự – Niết-bàn.

Viên Phúc Sumangala

______________

(1) Trường bộ kinh-16. Kinh Ðại Bát-Niết-bàn.
(2) Chánh định-Sammāsamādhi là 4 Thiền-Jhana. Trường bộ kinh – 22. Kinh Ðại Niệm xứ.
(3) Phân loại Định-Samādhi. Thanh tịnh đạo – Buddhaghosa. Phần thứ hai: Ðịnh – Chương III: Mô tả Ðịnh.
(4) Bốn Đạo lộ tu tập giác ngộ hoàn toàn. Tăng chi bộ kinh – XVII. Phẩm đạo hành – (X) (170) Gắn liền cột chặt.
(5) Không định, Vô tướng định, Vô nguyện định. Tăng chi bộ kinh, XVI. Phẩm lõa thể – 163. Ðịnh.
(6) Chánh định được hỗ trợ của 7 chi phần Bát Thánh đạo. Trung bộ kinh – 117. Ðại kinh Bốn mươi.
(7) Trường bộ kinh – 16. Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn.
(8) Tương ưng bộ kinh – Chương 56: Tương ưng sự thật – I: Phẩm định -1. Ðịnh.
(9) Trung bộ kinh – 8. Kinh Ðoạn giảm.
(10) Tuần tự các bước thực hành dẫn đến các tầng Thiền-Jhāna. Trung bộ kinh – 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi.

Nguồn bài viết: https://giacngo.vn/thien-jhana-co-dua-den-giac-ngo-giai-thoat-post51942.html