logo

Thiền - Khí Công Chữa Lành Bệnh Tật

Năng suất - Chất lượng - Giao thương

Quán thân trong thân

18/03/2024
Tu tập là chế tác ra năng lượng chánh niệm để trước hết trở về ôm ấp và chăm sóc, bày tỏ tình thương đối với cơ thể ta. Đây là bước đầu của sự thực tập thương yêu.

    Bây giờ ta đi sang bài tập thứ ba của mười sáu phép quán niệm hơi thở, ”Thở vào, tôi ý thức về toàn thân thể tôi. Thở ra, tôi ý thức về toàn thân thể tôi.” Trước hết, ta thấy rằng đây là ước muốn muốn trở về làm quen, làm hòa với thân thể ta. Có khi ta nhận thấy rằng thân thể này là ta, là một cái gì rất gần gũi, thân thiện với ta; nhưng có lúc ta lại nghĩ thân thể này không phải là của ta, nó là một cái gì rất xa lạ đối với ta, thậm chí ta rất chán ghét nó. Ta nghĩ rằng thà không có thân này còn hơn. Ta muốn đày đọa, loại trừ thân thể ta.

    Đó là thái độ muốn trốn chạy, muốn thoát ly ra khỏi thân thể của chính mình. Vì vậy bài tập thứ ba là để giúp ta thực tập trở về làm hòa với thân thể. Hơi thở chính là một phần của thân thể. Hơi thở chánh niệm là nhịp cầu giúp ta thực tập trở về với thân thể, cảm thọ, tâm ý và tri giác của ta. Khi thở vào, ta biết ta đang thở vào; khi thở ra, ta biết ta đang thở ra, thì cái biết ấy tức là năng lượng chánh niệm; nếu thực tập liên tục thì năng lượng chánh niệm sẽ tăng trưởng rất hùng hậu. Năng lượng chánh niệm ôm lấy hơi thở vào và hơi thở ra. Ta trở thành một với hơi thở vào và hơi thở ra. Càng tiếp tục thực tập thì hơi thở vào và hơi thở ra càng trở nên nhẹ nhàng, sâu lắng, hòa điệu và khoan thai.

    Khi hơi thở của ta đã trở nên nhẹ nhàng, sâu lắng, thì ta bắt đầu bước thêm một bước nữa, tức là phép thở thứ ba- thực tập tiếp xúc với thân thể-

    ”Thở vào, tôi ý thức về toàn thân thể tôi. Thở ra, tôi ý thức về toàn thân thể tôi.”

Nghệ thuật thương yêu

     Ta trở về với thân thể và ôm lấy thân thể ta bằng sự trìu mến, thương yêu. Ta làm hòa với thân thể ta. Bài tập này có thể thực tập trong tư thế ngồi hoặc tư thế nằm. Trở về để chăm sóc, để bày tỏ niềm ưu ái đối với thân thể ta là hành động hết sức cấp thiết và quan trọng. Thân thể ta có thể đang có nhiều đau nhức và căng thẳng. Nhưng vì sống trong thất niệm nên ta không biết được những gì đang xảy ra trong cơ thể ta, ngược lại ta đối xử thiếu tình thương, niềm ưu ái và trách nhiệm đối với cơ thể ta; ta không ngó ngàng, quan tâm, chăm sóc đến cơ thể ta một cách đàng hoàng. Vì vậy tu tập là chế tác ra năng lượng chánh niệm để trước hết trở về ôm ấp và chăm sóc, bày tỏ tình thương đối với cơ thể ta. Đây là bước đầu của sự thực tập thương yêu.

    Trở về với cơ thể, ý thức sự có mặt của cơ thể và hứa từ nay về sau mình sẽ chăm sóc cơ thể mình một cách đàng hoàng hơn. Nếu làm được như vậy thì cơ thể ta sẽ cảm thấy rất ấm áp và những niềm đau trong cơ thể sẽ được chữa trị. Sabbakaya nghĩa là toàn thân. Trong suốt chiều dài của hơi thở vào, ta ý thức toàn vẹn sự có mặt của thân thể ta. Ta chiếu dụng ánh sáng chánh niệm vào thân thể ta từ đỉnh đầu xuống tới các ngón chân, bàn chân. Lúc đó đối tượng của chánh niệm không còn chỉ là hơi thở mà nó bao gồm cả thân thể.

    Ban đầu đối tượng của chánh niệm chỉ thuần là hơi thở, nhưng tới bài tập thứ ba và thứ tư thì nó chuyên chở thêm một đối tượng khác, đó là thân thể. Ta ôm ấp thân thể ta bằng tất cả sự trìu mến trong suốt chiều dài của hơi thở vào và hơi thở ra với ước muốn muốn làm hòa, chăm sóc và bày tỏ lòng ưu ái của ta đối với thân thể. Tuy nhiên ta có thể linh động trong cách sử dụng ngôn ngữ, nhưng nội dung của sự thực tập vẫn giống nhau. Ví dụ, ”Thở vào, tôi ý thức về toàn thân thể tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với toàn thân thể tôi.”

    Đây là nụ cười của ý thức, nụ cười của tình thương đối với thân thể ta. Ta có thì giờ để trở về ôm ấp thân thể ta với tất cả sự trìu mến, thương yêu và mỉm cười với thân thể ta hay chưa? Nếu chưa, thì ta hãy lập tức trở về làm cho được chuyện đó. Ta phải dành thì giờ để trở về chăm sóc thân thể ta với tất cả tình thương và nói với thân thể ta rằng, ”Thân thể ơi, tôi biết em có mặt đó một cách nhiệm mầu. Vậy mà bấy lâu nay tôi sống thờ ơ quá. Từ rày trở đi, tôi hứa sẽ chăm sóc đàng hoàng hơn.”

    Bây giờ chúng ta hãy cùng thực tập trở về chăm sóc thân thể ta và mỉm cười với thân thể ta với nụ cười chánh niệm và trìu mến. Bây giờ chúng ta gởi sự chú ý tới với từng bộ phận của thân thể ta như mắt, tai, mũi, buồng phổi, tim, gan, ruột v.v. theo phương pháp mà tôi đã đề nghị ngày hôm qua: ”Thở vào, tôi ý thức về hai mắt tôi.

    Thở ra, tôi mỉm cười với hai mắt.” Bài tập này nếu được thực tập liên tục sẽ giúp ta đạt tới cái thấy sâu sắc về thực tại và cái thấy ấy sẽ giải phóng ta ra khỏi sự sợ hãi, buồn khổ, đem lại an lạc và hạnh phúc thật sự. Trong kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm (kinh Tứ Niệm Xứ), Bụt có dạy: ”Này các vị khất sĩ! Ví dụ có một bác nông dân đi vào nhà kho và mang ra một bao tải chứa đựng đủ các loại ngũ cốc- như gạo lứt, gạo trắng, hạt lúa, đậu xanh, đậu ngự, hạt mè v.v.. Bác nông dân mở hai đầu bao tải và để cho các loại đậu mặc nhiên tuôn ra trên sàn nhà; với đôi mắt tốt, bác có thể nhận diện được, ‘Này đây là đậu xanh. Này đây là đậu ngự. Này đây là gạo trắng v.v..”’ Với đôi mắt còn tốt, bác nông dân có thể nhận diện và phân biệt được rõ ràng tất cả các loại hạt giống.Khi trở về với thân thể, trước hết ta thực tập ôm ấp toàn thân thể ta với hơi thở chánh niệm, sau đó ta có thể gởi sự chú ý đến từng bộ phận của thân thể ta, nhận diện sự có mặt của từng bộ phận của thân thể giống như bác nông dân kia khi bác nhận diện và phân loại các loại hạt giống.

    Trong kinh, Bụt có nói rằng trong thân thể ta có cả thảy là ba mươi sáu bộ phận. Ta thực tập ôm ấp và mỉm cười với từng bộ phận bằng năng lượng chánh niệm. Với năng lượng chánh niệm, ta làm cho bộ phận ấy của cơ thể trở nên êm dịu, buông thư bằng tư thế nằm hoặc trong tư thế đi hay ngồi…

    Trong khóa tu, ta nên thực tập thiền buông thư mỗi ngày ít nhất là một lần. Ta có thể thực tập chung với Tăng thân dưới sự hướng dẫn bởi một thầy hoặc một sư cô.Nhưng nếu ta có năm phút, mười phút hay mười lăm phút rảnh rỗi, ta có thể tìm một nơi vắng vẽ, yên tĩnh để tự thực tập thiền buông thư. Đây là sự thực tập thương yêu đích thực đối với cơ thể ta. Cứ như thế, ta từ từ soi chiếu ánh sáng chánh niệm tới các bộ phận khác của cơ thể. Trong kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm, những bộ phận ấy được liệt kê như: xương, tủy, thận, máu, gan, lá lách, hoành cách mạc v.v.. Thở vào, ta ôm ấp và mỉm cười với từng bộ phận của cơ thể ta bằng năng lượng chánh niệm như bà mẹ ôm đứa con vào lòng với tất cả sự thương yêu, trìu mến của mình. Đây là phép thực tập rất hay có khả năng đem lại rất nhiều lợi lạc, chuyển hóa và trị liệu.

Khi thực tập, ”Thở vào, tôi ý thức về lá gan của tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với lá gan của tôi.” Ngay lập tức lá gan cảm nhận được tình thương của ta. Lá gan sẽ nói: ”Dễ sợ chưa! Bây giờ mới ngó ngàng tới tui. Tui đã ngày đêm gởi thông điệp SOS tới để cầu cứu, nhưng anh/chị cứ thờ ơ, không quan tâm gì cả. Anh/chị vẫn tiếp tục uống rượu, hút thuốc, ăn nhậu một cách vô tội vạ. Thật khổ sở cho tui. Anh/chị có biết tui làm việc cực nhọc lắm không? Phải gạn lọc không ngừng nghỉ, phải chống cự suốt ngày đêm để bảo tồn mạng sống cho toàn bộ các chi phần khác của cơ thể; vì vậy em đã tìm mọi cách để gởi thông điệp SOS đến cầu cứu, nhưng thông điệp của em không bao giờ được anh/chị quan tâm tới. 

    Em chịu hết nỗi rồi. Cứu em với.” Nếu thực tập hơi thở chánh niệm, thân thể ta sẽ bớt khổ rất nhiều. Nếu ta gởi sự chú tâm tới lá gan và mỉm cười với nó, ta sẽ hiểu được tình trạng của lá gan. Ta thấy rằng lá gan của ta đã làm việc không ngừng nghỉ để duy trì sức khỏe cho toàn bộ cơ thể, nhưng vì sống trong sự quên lãng, thiếu trách nhiệm, nên ta đã làm tình làm tội lá gan của ta, đã thờ ơ với lá gan của ta.

    Thất niệm là ngược lại với chánh niệm. Ta thường sống trong sự quên lãng. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời ta trở về chăm sóc lá gan của ta. Lá gan của ta cảm thấy ấm áp trở lại khi được ta ngó ngàng, quan tâm đến. Nếu ta tiếp tục thực tập thêm vài hơi thở nữa thì ta có định và năng lượng định sẽ làm phát sinh tuệ giác. Có tuệ giác là ta bắt đầu biết thương yêu, chăm sóc và bảo vệ lá gan của ta, vì lá gan là điều kiện thiết yếu cho sức khỏe của toàn thân. Khi ý thức được phát sinh, ta tự khắc biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm để bảo vệ lá gan của ta. Điều này không cần ai nhắc nhở cả.Ta chăm sóc, nuôi dưỡng lá gan của ta bằng năng lượng chánh niệm, hiểu biết và thương yêu. Ta quyết sẽ không ăn uống hoặc đưa vào cơ thể ta những độc hại nữa. Không những chỉ đối xử với lá gan như thế, mà đối với tất cả các bộ phận khác của cơ thể ta cũng phải thực tập như thế.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

———————
Nguồn bài viết: https://phatgiao.org.vn/quan-than-trong-than-d50389.html