GIÁM ĐỐC
Lương Y, Khí Công Sư Phúc Thành
Trực thuộc Hội Nam Y Việt Nam
Hotline: 0982 314 688
Zalo: 0982 314 688
Email: thayphucthanh@gmail.com
Tinh thần Phật giáo trong văn hóa dân tộc
Văn hóa là những đặc điểm của một nhóm người, một cộng đồng, vùng đất, lãnh thổ, có nét chung về suy nghĩ, sinh hoạt, tập quán, tình cảm… bao gồm tôn giáo, tập quán xã hội, âm nhạc, nghệ thuật, kiến trúc, lễ lạt, văn học… Những sinh hoạt, hoạt động như thế khiến cho tâm hồn được trưởng dưỡng, cho nên Cicero1 từng nói: “Văn hóa là sự trồng trọt linh hồn (Cultura amini)”. Văn hóa của một vùng đất, một quốc gia, dĩ nhiên bắt nguồn từ cộng đồng con người của nơi ấy, tức phát xuất từ những người bình dân, là văn hóa cơ bản, hay văn hóa dân gian, hình thành kể từ khi định cư tại vùng đất ấy, quốc gia ấy và phát triển, giữ những nét đặc thù theo thời gian và trở thành văn hóa dân tộc. Văn hóa định hình cho sự hiện hữu của con người. Khởi đầu là những đặc trưng trong sinh hoạt hàng ngày, trong đó, vai trò tâm linh là rất quan trọng.
Bối cảnh Việt Nam thời Phật giáo du nhập
Do đó, số ít Tăng sĩ Giao Châu được phần dễ dãi, không đến nỗi phải chịu sự kiểm soát gắt gao của chính quyền xâm lược. Các vị này có thì giờ để học tập, nghiên cứu các môn khoa học, văn học Trung Quốc và nhất là kinh điển Phật giáo. Các chùa chiền, am cốc được thành lập ở các làng quê, ở vùng hẻo lánh. Được biết đạo Phật là đạo giải thoát, cứu khổ nên giới bình dân tìm đến, mong được an ổn tâm linh, mong được học hỏi. Thế là ngôi chùa tại mỗi làng dần dần trở nên một trung tâm văn hóa, dạy chữ, dạy đạo, chữa bệnh, hướng dẫn sinh hoạt, chọn ngày giờ tốt để gieo trồng gặt hái, dựng vợ gả chồng… Dân làng được thấy sự lợi ích ấy nên càng gần gũi với đạo Phật, đóng góp phần xây dựng chùa, đúc chuông, tạo tượng… Từ đây, bốn ý nghĩa căn bản của văn hóa nhân gian được nổi bật: 1) danh dự cá nhân (không bị chà đạp, rẻ rúng vì chính quyền xâm lược); 2) tình cảm, sự tận tụy với gia đình, với những người chung quanh; 3) bổn phận đối với cộng đồng (mà nhà chùa là nơi gặp gỡ, thân tình với nhau); và 4) tôn trọng thiên nhiên (cảnh trí, cây cỏ, sinh vật). Và cũng từ đây, đặc trưng rõ nhất của nhân cách một con người được ý thức rõ hơn. Đó là sự mong muốn được tự do cá nhân, mong muốn được biết, được hiểu, được khám phá và được phục vụ cho cộng đồng. Tất cả các đức tính đó đều được bao hàm trong giáo lý Phật giáo.
Văn hóa Phật giáo nhân gian
Thế là từ việc người bình dân Việt Nam thờ phụng các thần linh đại diện cho các thế lực thiên nhiên, Phật giáo đã khiến người dân thờ kính Đức Phật như vị thần tối cao. Đi chùa, lễ Phật trở nên một sinh hoạt bình thường. Giáo lý của Đức Phật được hiểu một cách cơ bản, dễ dãi: nhận biết khổ đế của Tứ đế, nhân quả, luân hồi, tin tưởng ở sự tự tu và sự cứu độ… Về sau, khi đất nước được tự chủ, Phật giáo hưng thịnh, các chùa chiền ở thành thị được xây dựng quy mô hơn, như hiện nay vẫn còn tồn tại các chùa từ đời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn, và nhất là nhiều chùa lớn sánh ngang với các nước trên thế giới được xây dựng ở khắp cả ba miền đất nước. Trong khi đó, việc thờ Phật ở tư gia cũng phát triển. Bàn thờ Phật được đặt cao hơn bàn thờ tổ tiên, được trang hoàng đẹp đẽ, được dâng hoa quả, phẩm vật vào ngày rằm, mồng một và các ngày lễ lớn. Trong sinh hoạt hàng ngày, phát xuất từ sinh hoạt nhân gian, Phật giáo đã hàm chứa trong ngôn ngữ, trong giao tiếp, trong ca dao tục ngữ, trong các truyện cổ tích… Rất nhiều thuật ngữ Phật học đã trở thành quá quen thuộc trong tiếng Việt như Phật, tâm địa, nhân quả, luân hồi, sám-hối, Bồ-tát, số kiếp, tái sinh, giải thoát, nhân duyên…
Trong tục ngữ, ca dao ta tìm thấy không ít những câu như: Ở hiền gặp lành, Đi với Phật mặc áo cà-sa…, Khẩu xà tâm Phật, Hiền như Bụt, Ác lai ác báo, Tu tâm dưỡng tánh… Trong các thời đại cực thịnh của Phật giáo Việt Nam, nền văn học Phật giáo nảy sinh mạnh. Các tác phẩm Phật học xét ra cũng có số lượng không thua tổng số các tác phẩm của các thể loại khác. Tác giả là các Đại sư, Thiền sư, học giả Phật học. Nhưng trong giới bình dân, phần văn hóa cơ bản hay văn học cơ bản lại thuộc văn học truyền miệng như ca dao, tục ngữ hay truyện cổ… được sáng tác trong dân gian và ảnh hưởng của Phật giáo nhân gian, đó là sự thể hiện niềm tin đạo lý nhân quả, sự cứu khổ… Về đạo đức Phật giáo hay sự ăn hiền ở lành, vun trồng đức độ, tin ở kiếp trước kiếp sau, thiện báo ác báo, sự tu tập Phật pháp:
Người trồng cây hạnh mà chơi
Ta trồng cây đức để đời về sau.
Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.
Ai ơi hãy ở cho lành
Tu nhân tích đức để dành cho con.
Niềm tin ở Đức Phật, Bồ-tát Quán Thế Âm:
Con ơi hãy khéo ghi lời
Tháng Tư giỗ Bụt thời đi lễ chùa.
Nam-mô Đức Phật Quan Âm
Ra tay cứu độ vớt người trầm luân.
Ai ơi chớ có ăn lời
Bụt kia có mắt, ông Trời có tai.
Điều này càng được chứng tỏ khi ta xét nội dung một số truyện cổ tích. Ta thấy hình ảnh Đức Phật hay Bụt, các nhà sư, chùa chiền, những tín đồ Phật giáo thuần thành có tâm tu… xuất hiện trong rất nhiều truyện: Đức Phật xuất hiện cứu giúp người hiền thiện đang gặp khó khăn, nguy biến: các truyện Tấm Cám, Của thiên trả địa, Sự tích con muỗi, Cây tre trăm đốt, Ông bình vôi…
Các vị sư cứu giúp người: Cây huyết dụ, Người khổng lồ đúc chuông, Chử Đồng Tử, Từ Đạo Hạnh… Về nhân quả luân hồi có rất nhiều truyện, sự tích, như: Sự tích chim cuốc, Con muỗi, Chim tu hú, Từ Đạo Hạnh, Trái sầu riêng, Con nhái, Tấm Cám… Các chuyện khuyến tu, phóng sinh, ăn chay, niệm Phật, ca ngợi đức nhẫn nhục như: Sự tích chim tu hú, Ông bình vôi, Chử Đồng Tử, Trái sầu riêng, Hồ Ba Bể… Phật tử đến chùa lễ Phật, nghe kinh, tham dự các buổi lễ Phật nhân ngày rằm, mồng một, nhân các lễ cầu an cầu siêu, nhân các đại lễ như Phật đản, Vu-lan, Thành đạo… Tiếng tụng kinh niệm Phật, âm nhạc Phật giáo qua các nhạc cụ chiêng, trống, kèn, khánh, mõ… là những nét văn hóa đẹp, là đặc trưng của Phật giáo nhân gian.
Kết luận
Văn hóa thường được hiểu là bao gồm hai ý nghĩa. Một là “văn minh”, bao gồm giáo dục, nghề nghiệp, nghệ thuật, thủ công và các sản vật của các thứ ấy. Hai là thể cách suy nghĩ cảm nhận và hành động của con người. Geert2 đã định nghĩa văn hóa là “sự lập trình tập thể của tâm thức phân biệt các thành viên của nhóm loại này với nhóm loại khác”. Loại ở đây được hiểu là quốc gia, tôn giáo hay chủng tộc hay cộng đồng. Trong ý nghĩa ấy về văn hóa và qua phần đã trình bày trên, ta có thể kết luận rằng Phật giáo nhân gian đã tạo ra và mang lấy nội dung của văn hóa Phật giáo. Văn hóa Phật giáo lại là bộ phận hay cũng chính là văn hóa Việt Nam. Trân trọng văn hóa nước nhà cũng chính là trân trọng, nỗ lực phát triển Phật giáo nhân gian và văn hóa Phật giáo vậy.
Chú thích:
1. Cicero: Marcus Tallius Cicero (106 BC-43 BC), triết gia, luật gia, chính trị gia La Mã.
2. Geert Hofstede, sinh 1928, nhà tâm lý học, Giáo sư tại Đại học Maastritch, Hà Lan.
Tài liệu tham khảo:
1. Wikipedia, the free encyclopedia.
2. www.unicultural.com
3. Nguyễn Đổng Chi; Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam, tập 1; Nxb Giáo Dục; 2000.
4. www,geerthofstede.com.
HT. Thích Giác Toàn
———————
Nguồn bài viết: https://phatgiao.org.vn/tinh-than-phat-giao-trong-van-hoa-dan-toc-d46810.html